Nếu trong căn bếp Việt không thể thiếu những gia vị như nước mắm, hành, tỏi, hạt tiêu… thì ở phương Tây, họ cũng có những loại gia vị Âu với hương vị và chức năng riêng để làm nên linh hồn của những món ăn. Họ chủ yếu sử dụng những loại lá khô hoặc tươi để tẩm ướp và chế biến, phổ biến nhất có lá hương thảo, xạ hương, bạc hà, húng quế…
Chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu lần lượt về các cây gia vị Âu hiện được trồng khá nhiều tại Việt Nam.
1. Hương thảo
Cây hương thảo là cây phổ biến nhất trong dòng gia vị Âu, có nguồn gốc từ Địa Trung Hải. Cây có thân cứng cáp hơn, thích nghi với điều kiện khắc nghiệt.
Lá hương thảo có vị hơi đăng đắng và mùi thơm rất đặc biệt, giống với lá thông trộn cùng vỏ chanh vàng, lan tỏa mạnh và quyện sâu.
Cách phối hợp món ăn:
Hương thảo thường được dùng trong các món rô ti, nướng và trong các món hầm; thích hợp khi tẩm ướp với nhiều loại thịt như thịt heo, thịt gà, thịt thỏ, thịt cừu (rosemary làm bay hết mùi hôi của cừu).
Loại thảo mộc này cũng có thể được dùng trong các món rau, các món đi với cá và cà chua, nhưng chủ yếu là để tẩm ướp.
2. Húng tây (basil)
Húng tây là một loại thảo dược thơm phổ biến trong nhánh bạc hà, loại thảo mộc này có vị cay cay hăng hăng rồi ngọt hậu với hương thơm giống hoa hồi nhưng có phần the hơn.
Có hơn 60 loại basil khác nhau trên thế giới, với hương vị từ cay nhẹ đến ngọt, mỗi loại có một hương vị rất đặc trưng.
Cách phối hợp món ăn:
Húng tây có thể kết hợp hoàn hảo với những món ăn ăn kèm cùng cà chua như là súp, salad, pizza.
3. Oregano
Oregano hay còn được gọi là lá kinh giới cay, loại thảo mộc này cũng thuộc nhánh cây bạc bà. Kích thước của lá cây oregano rất nhỏ và màu xanh đậm với mùi hương hăng và hương vị mạnh mẽ.
Không chỉ là một gia vị thảo mộc đi kèm món ăn, Oregano còn mang đến những công hiệu tuyệt vời cho sức khỏe.
Cách phối hợp món ăn:
Oregano được dùng rất phổ biến trong pizza và ăn kèm cùng một số loại bánh mặn trong các siêu thị ở Ý hay Tây Ban Nha.
Loại thảo mộc này cũng được dùng để đi kèm với các món có sốt cà chua.
4. Xô thơm (sage)
Xô thơm là một thành viên của họ cây bạc hà. Lá cây có kích thước nhỏ, màu xám xanh, có gân và tùy theo loại mà có hương vị khác nhau.
Loại lá này có mùi hương ấm áp và ngọt ngào kết hợp cùng vị cay nhè nhẹ, the the, pha chút xíu đăng đắng (loại khô sẽ đắng hơn).
Cách phối hợp món ăn:
Xô thơm thích hợp với các loại thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng), thịt heo và xúc xích. Loại gia vị Âu này cũng kết hợp tốt cùng cà tím, cà chua, các loại đậu.
5. Cỏ xạ hương
Cỏ xạ hương có lá nhỏ, mùi thơm nhẹ pha chút ngọt. Nó được sử dụng thường xuyên trong ẩm thực Địa Trung Hải, ẩm thực Ý và Provencal của Pháp.
Tại Việt Nam, cỏ xạ hương được trồng phổ biến ở Đà Lạt và Sapa.
Cách phối hợp món ăn:
Để cỏ xạ hương cho ra mùi thơm thì cần phải chế biến loại thảo mộc này khá lâu. Chính vì vậy cỏ xạ hương thường được dùng trong món nướng và món hầm.
Ngoài ra loại cây này còn phù hợp để đi kèm với cà rốt, khoai tây, cà chua, thịt bò, thịt gà, thịt cừu, hành tây,…
6. Nguyệt quế
Nguyệt quế là loại cây có nguồn gốc từ các nước Tiểu Á và phát triển mạnh ở vùng Địa Trung Hải. Đặc biệt là Hy Lạp cổ đại và La Mã.
Loại lá này còn mang biểu tượng của quyền lực và sự nổi tiếng. Nó được kết thành vòng đeo quanh cổ để tôn vinh các vị vua, anh hùng hoặc các vận động viên chiến thắng.
Cách phối hợp món ăn:
Lá nguyệt quế thường được dùng cho các món súp và món hầm.
7. Bạc hà
Bạc hà là một loại cây thân thảo, sống rất lâu năm. Thân thường có màu xanh hoặc tím. Lá hình trứng thon dài và có nhiều răng cưa xung quanh mép.
Toàn thân cây bạn hà thương có một mùi hương cay cay và mang đến cảm giác dễ chịu.
Cách phối hợp món ăn:
Lá bạc hà dùng để trang trí cho các món tráng miệng hoặc để pha các loại thức uống.
8. Cỏ ngọt
Cây cỏ ngọt có tên khoa học là Stevia Rebaudiana, là một loài cây thuộc họ cúc. Cây có dạng thân thảo màu xanh đậm. Toàn thân và lá cây phủ một lớp lông mềm mịn màu trắng. Lá cây hình bầu dục và có hình răng cưa.
Đây là loại cây đặc biệt, bởi lẽ so với một lượng đường tương đương thì nó ngọt gấp 300 lần đường saccarozo nhưng lại không chứa Calo.
Cách phối hợp món ăn:
Cỏ ngọt thường được dùng làm trà hoặc làm đường ăn kiêng cho bệnh nhân tiểu đường
9. Ngò tây (parsley)
Ngò tây có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và được trồng phổ biến ở Châu Âu với tên gọi khoa học là Petroselimun sativun Hoffm. Đây là một gia vị chính không thể thiếu trong ẩm thực nơi đây.
Món ăn của bạn sẽ trở nên hoàn hảo và tuyệt vời khi cho thêm gia vị có mùi thơm dịu nhẹ, giòn ngọt và dễ ăn. Nó sẽ đánh vực vị giác của bạn khi thưởng thức món ăn.
Cách phối hợp món ăn:
Thường dùng cho các món sốt, súp, hầm. Parsley cắt nhỏ dùng rắc lên bề mặt món ăn sau khi hoàn thành vừa giúp tăng hương vị, vừa dùng trang trí.
Hy vọng qua bài viết trên bạn đã có những gợi ý về gia vị cho món Âu của mình.